Truyền thuyết Lĩnh_Nam

Bản đồ Lĩnh Nam thời Trưng Vương (40-43 sau Công nguyên)

Xưa kia vua Đế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp Tiên nữ, kết hôn với nhau, sinh được một con trai đặt tên là Lộc Tục. Vua Đế Minh ở với Tiên nữ ít lâu rồi trở về phương Bắc. Ngài truyền các quan lập đàn tế trời rồi thề rằng: "Ta nhất sinh có nhiều cung tần mỹ nữ, nhưng chỉ sinh có một Thái tử. Sau lại kết hôn với Tiên nữ ở Động Đình hồ mà có thêm Lộc Tục. Vậy ta phong Thái tử làm vua phương Bắc đến núi Ngũ Lĩnh. Từ núi Ngũ Lĩnh về Nam, gọi là Lĩnh Nam, phong cho Lộc Tục làm vua. Trước đất trời nguyện rằng: Nam, Bắc cương thổ có khác. Nam không xâm Bắc. Bắc không chiếm Nam. Kẻ nào phạm lời nguyền thì chết dưới đao thương".

Kể từ đấy thiên hạ chia đôi. Bắc do vua Đế Nghi cai trị. Nam do Lộc Tục lên ngôi, hiệu là Kinh Dương Vương. Đất Lĩnh Nam phía bắc tới Động Đình hồ, phía nam giáp với nước Hồ Tôn, phía tây giáp với Ba Thục, đông giáp biển Nam Hải. Kinh Dương Vương kết hôn với con gái của Động Đình QuânLong Nữ đẻ ra Sùng Lãm. Thái tử Sùng Lãm kế tục ngôi vua lấy hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết hôn với Công chúa Âu Cơ con vua Đế Lai, sinh được trăm con. Lạc Long Quân truyền ngôi cho con trưởng làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Lại phong 99 con mỗi người làm chủ một ấp, vì vậy đất Lĩnh Nam mới có trăm họ. Đó là nguồn gốc Bách Việt.